Tóm lược Disneyland with the Death Penalty

William GibsonNhà chọc trời ở Raffles Place trong khu Central Business DistrictHình chụp từ không trung năm 1989 của khu Cửu Long Trại Thành ở Hồng Kông, được Gibson tán thành khi so với Singapore

Tựa đề "Disneyland with the Death Penalty" chỉ đến chủ thể của bài viết, đảo quốc Đông Nam Á Singapore, Gibson cảm thấy nơi này ghê tởm với sự cằn cỗi được duy trì nghiêm chỉnh.[6] Sau khi mở đầu bài viết với phép ẩn dụ về Disneyland, Gibson trích dẫn một nhận xét được cho là của Laurie Anderson rằng "nếu không đưa một ít đất bụi vào thì thực tế ảo sẽ không bao giờ giống thật" khi bàn về tình trạng sạch sẽ ngăn nắp của Changi Airtropolis, sân bay quốc tế của Singapore. Bên ngoài sân bay, ông ghi nhận môi trường tự nhiên đã được trồng trọt thành "những ví dụ toàn mỹ của chính mình", như những sân golf đầy rẫy ở đó. Xã hội Singapore là một "trải nghiệm luôn luôn được phân loại G", được chính quyền điều khiển như một công ty khổng lồ, luôn quan tâm đến sự tuân thủ, hạn chế cách cư xử. Chính quyền này rõ ràng thiếu sự sáng tạo và tính vui nhộn.[2]

Gibson cảm thấy đau khổ khi cố gắng tìm kiếm những dấu vết Singapore thời Victoria. Nhằm khám phá những cơ cấu xã hội tiềm ẩn của Singapore, tác giả ra sức tìm những khu vực bẩn thỉu trong thành phố nhưng vô vọng; có vài hôm, ông thức dậy từ lúc bình minh để đi bộ, chỉ để khám phá rằng "quá khứ vật chất [của thành phố]... gần như đã hoàn toàn tan biến".[2][6] Ông tóm lược lại lịch sử Singapore từ khi được Sir Stamford Raffles thành lập năm 1819 đến thời Nhật Bản chiếm đóng và sau này trở nên độc lập năm 1965. Ông kết luận rằng Singapore thời nay, trên thực tế là một nhà nước đơn đảng và nền kỹ trị tư bản, trước hết là thành quả từ kế hoạch của Thủ tướng cầm quyền ba thập niên Lý Quang Diệu.[2] Bên lề, ông trích một tít từ tờ South China Morning Post nói về phiên xử một số nhà kinh tế, một viên chức chính phủ và một chủ bút tờ báo về tội tiết lộ bí mật quốc gia khi họ công khai tốc độ tăng trưởng kinh tế của Singapore.[2]

Gibson căm ghét sự thiếu cảm giác thành thị thật sự,[6] và quy trách nhiệm cho "sự thiếu thốn sáng tạo rõ ràng".[2] Ông trình bày cảm nhận của mình về kiến trúc của thành bang, miêu tả về dòng người không ngớt, trẻ đẹp và ăn mặc theo kiểu trung lưu, đi qua các khu mua sắm. Ông so sánh nước này với một khu hội nghị ở Atlanta, Georgia. Ông cảm thấy những sản phẩm bầy bán trong các cửa hàng băng đĩa và tiệm sách rất là nhạt nhẽo, đặt câu hỏi rằng đây có phải một phần là do nỗ lực của Undesirable Propagation Unit (UPU - Đơn vị [Chống] Lan truyền không lành mạnh), một cơ quan kiểm duyệt nhà nước.[2] Giữa sự thiếu thốn gần như hoàn toàn của tự do phóng túng và văn hóa phản kháng, Gibson cũng không tìm ra được sự bất đồng chính kiến, một kinh tế ngầm, hay khu ổ chuột.[2][6] Thay vì mua bán tình dục, tác giả lại tìm thấy những "trung tâm sức khỏe" được chính quyền cho phép – thật ra là tiệm massage – và những cuộc hẹn hò bắt buộc do các cơ quan chính phủ tổ chức và chỉ thị. Tác giả viết "đáng chú ý là có rất ít điều gì, tại Singapore ngày nay, mà không phải là thành quả của chính sách xã hội có chủ ý và chắc hẳn đã được cân nhắc kỹ càng."[2]

Tác giả cho rằng sự thiếu thốn về lĩnh vực sáng tạo của Singapore có thể thấy rõ qua việc người dân Singapore ham mê tiêu thụ, tính đồng nhất của những cửa hàng và cũng như những mặt hàng được bày bán, và cái mà ông miêu tả là một niềm đam mê khác của họ: ăn uống (dù ông có một số phàn nàn về sự đa dạng của các món ăn, ông đã dành lời khen ngợi ẩm thực Singapore, đặc biệt là sự đa dạng và vệ sinh của các quán hàng rong đường phố).[2] Ông trở lại chủ đề nói về sự nhạt nhẽo của thành phố, ghi nhận môi trường vật chất sạch sẽ đến đáng lo ngại và tinh thần tự tuân thủ của người dân. Khi nói về các tiến triển kỹ thuật và khát vọng trở thành một nền kinh tế thông tin của Singapore, Gibson đã nêu sự nghi ngờ về khả năng chống chịu của bản chất kiềm chế và dè dặt khi bị văn hóa kỹ thuật số tràn ngập – "không gian ảo phân loại X hoang vu".[2] Ông suy đoán rằng "vận mệnh của Singapore là trở thành một vùng đất riêng trật tự và thịnh vượng... giữa một biển rộng chứa những điều kỳ quặc khó tưởng tượng, không hơn không kém."[2]

Vào đoạn cuối bài viết, Gibson nhắc đến hai trường hợp tử hình trong hệ thống tư pháp Singapore; ông trích một bài báo từ tờ The Straits Times về Mat Repin Mamat, một người đàn ông Mã Lai bị kết án tử hình vì tội buôn lậu một kilôgam cần sa vào nước này, tiếp theo đó ông miêu tả về vụ án của Johannes van Damme, một kỹ sư người Hà Lan mà các nhà chức trách đã khám phá mang trên người một lượng heroin lớn, cũng nhận hậu quả tương tự. Ông nói ra nỗi lo âu về sự công bằng của án tử hình và miêu tả Singapore là đất nước không khoan nhượng. Sau khi nghe tin về bản án của van Damme, Gibson quyết định bước chân ra đi, trả phòng khách sạn "với tốc độ kỷ lục", và bắt taxi ra sân bay. Chuyến đi này đáng chú ý là không có bóng dáng cảnh sát nào trên đường dù xe taxi đã vượt đường đỏ nhiều lần, nhưng khi vừa đến sân bay thì họ lại xuất hiện, nhìn ông với ánh mắt nghiêm nghị khi ông chụp hình một tờ giấy vụn mà ai đó bỏ rơi. Bay đến Hồng Kông ông nhìn thấy khu nhà lụp xụp Cửu Long Trại Thành lúc đó sắp bị phá hủy ở cuối đường băng tại Sân bay Khải Đức đầy hỗn loạn. Ông suy ngẫm về sự khác biệt giữa đây và thành phố điềm đạm và sạch sẽ mà ông vừa rời khỏi. Bài viết kết thúc với câu nói "Tôi nới lỏng cà vạt của mình, rời khỏi không phận Singapore."[2]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Disneyland with the Death Penalty http://www.channel4.com/news/articles/politics/int... http://www.iht.com/articles/2005/09/16/opinion/edl... http://www4.picturepush.com/photo/a/5618117/img/56... http://reason.com/archives/2003/08/01/somethings-i... http://www.williamgibsonbooks.com/blog/2003_05_01_... http://www.spell7.net/paulrae/1012.pdf //doi.org/10.1080%2F14672710500348455 //doi.org/10.1111%2Fj.1751-9020.2007.00024.x http://www.usp.nus.edu.sg/writing/uwc2101k/index.h... http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/quoc-te/201...